John Hou SaeterClint Hughes/Getty Images

Muốn khoác áo ĐT Trung Quốc, cầu thủ nhập tịch phải học... Lịch sử Đảng

Theo chỉ thị của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA), đối với những cầu thủ nhập tịch muốn thi đấu dưới quốc tịch mới là Trung Quốc, việc từ bỏ quốc tịch cũ và trở thành công dân Trung Quốc vẫn là chưa đủ.

Giờ đây, họ sẽ phải được giáo dục để trở thành một người yêu nước, có hiểu biết về Đảng Cộng Sản. Các CLB chủ quản có trách nhiệm theo dõi và báo cáo về "tư duy, lập trường" của các cầu thủ này cho CFA mỗi tháng một lần.

Sau khi nhận liên tiếp những kết quả đáng thất vọng tại những giải đấu quốc tế, CFA đã cố gắng thuyết phục những cầu thủ nước ngoài gốc Trung Quốc trở về thi đấu tại Chinese Super League và ĐTQG. 

Đọc tiếp bài viết phía dưới

Hiện tại, quyền công dân nước này chỉ dành cho những cầu thủ nước ngoài có cha mẹ hoặc ông bà người Trung Quốc, thuộc một số CLB bóng đá hàng đầu. Tuy nhiên, vì Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép, các cầu thủ nước ngoài sẽ phải sẵn sàng từ bỏ quốc tịch của mình và nộp đơn xin nhập tịch Trung Quốc.

China President Xi Jinping
Giấc mơ dài hơi của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa ĐT Trung Quốc vô địch World Cup.

Bên cạnh đó, CFA yêu cầu các CLB chủ quản phải có trách nhiệm khơi dậy "lòng yêu nước" và sắp xếp cho cầu thủ những khóa học tiếng Trung Quốc, lịch sử, văn hóa và bối cảnh xã hội hiện tại. Dĩ nhiên, các cầu thủ nước ngoài bắt buộc phải nhận biết được quốc kỳ Trung Quốc, quốc huy và hát quốc ca.

Vào tháng 2/2019, John Hou Saeter, 21 tuổi, đã trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên của Trung Quốc. Tiền đạo này có mẹ là người Trung Quốc và cha người Na Uy. Saeter bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp trong màu áo CLB lừng danh ở Na Uy là Rosenborg, rồi chuyển tới Ranheim, Stabæk trước khi đến Trung Quốc đầu quân cho Beijing Guoan.

John Hou Saeter
John Hou Saeter là cầu thủ nhập tịch đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Một số cầu thủ khác cũng đã có quốc tịch Trung Quốc kể từ động thái mang tính bước ngoặt đó. Đồng đội của Hou và một cựu cầu thủ Arsenal, Nico Yennaris từ Anh, cũng đủ điều kiện nhập tịch vì mẹ là người Trung Quốc. Bây giờ, anh thi đấu dưới cái tên Li Ke.

Trong khi đó, một cầu thủ khác từ nước Anh, Tyias Browning, gia nhập Quảng Châu Evergrande và đang trong quá trình xin nhập tịch Trung Quốc. Bà ngoại Browning là người Trung Quốc.

Bên cạnh đó cũng có ba cầu thủ đang lên kế hoạch nộp đơn xin quyền công dân theo chương trình thí điểm của CFA, bao gồm bốn CLB hàng đầu của Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá. Dưới sự lãnh đạo của ông, Chính phủ Trung Quốc đã và đang phát triển môn thể thao này - bao gồm tuyển dụng cầu thủ nước ngoài và mở học viện trên khắp đất nước - để đạt được ước mơ: Trung Quốc đăng cai và vô địch World Cup trước năm 2050.

Quảng cáo