Lê Chí

Cầu thủ gốc Việt Milan Le Chi: Phút trải lòng của một người cha

NGUYỄN TRUNG | Số trước: Tony Tuấn Anh: "Em muốn thành ngôi sao bóng đá"


Để tìm hiểu rõ hơn về đời sống bóng đá của cộng đồng người Việt tại Czech, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác Lê Chí Thanh – cha của em Lê Chí Phúc – người đang khoác áo đội U17 Mnichovo Hradiste dưới dạng cho mượn từ CLB Mlada Boleslav, đang chơi ở giải VĐQG CH Czech. Bác đã dành cho chúng tôi những phút trải lòng về cậu con trai 17 tuổi, bóng đá và cuộc sống của kiều bào xa xứ.

Học hành trước, bóng đá sau

Đọc tiếp bài viết phía dưới

LTS: Trước khi tiếp cận Lê Chí Phúc, chúng tôi đã liên hệ bác Thanh để xin phép được phỏng vấn và viết bài giới thiệu về cậu bé này. Tuy nhiên bác đã đề nghị chúng tôi không nên bắt đầu ở thời điểm này vì cậu bé chỉ mới 17 tuổi và sẽ tốt hơn nếu đôi chân luôn được đặt dưới mặt đất. Theo đúng tinh thần đó, bài viết này được thực hiện chỉ dựa trên những trao đổi giữa tác giả và bố của Phúc, thay vì trực tiếp với “đương sự” như các bài viết trước.

Lê Chí Phúc sinh ngày 31.01.2000 và khoác áo tuyến trẻ FK Mlada Boleslavkhi mới 7 tuổi. Trong đội tên thường gọi của em là Milan Le Chi. Vì một số lý do, tháng 10.2016 gia đình đã xin cho Phúc rời khỏi đội U17 FK Mlada Boleslav để chuyển về một CLB địa phương có tên Mnichovo Hradiste.

Tại CLB mới, Lê Chí Phúc được bố trí đá chính trong vai trò một trung vệ, nhưng đôi khi được gọi lên bổ sung quân số cho đội U19 thì lại chơi ở vị trí tiền đạo.

Năm 14 tuổi, cậu bé từng được gọi tập trung cùng Đội tuyển U14 Czech khu vực miền Trung. Nhưng khả năng được gọi trở lại các lứa U kế tiếp là không đơn giản vì cậu bé vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Bác Thanh cho biết mình muốn mọi việc hãy cứ diễn ra theo trình tự. Bởi đối với gia đình, bóng đá cơ bản vẫn chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe. Trước nhất là phải tập trung học cho tốt. Còn sau này nếu đủ khả năng và khát khao đi theo con đường chuyên nghiệp thì bác và gia đình sẽ tạo điều kiện.

Khi được hỏi có muốn con trai mình khoác áo đội tuyển trẻ quốc gia hay không, bác bảo rằng: “Hiện tại thì gia đình vẫn chưa nghĩ tới vì Phúc chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tuy nhiên, nếu nhận được một lời mời phù hợp từ Liên đoàn thì hè này tôi sẽ cho cháu về thử sức. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc học tập phải được đảm bảo”.

Lê Chí

Chuyện chơi thể thao ở xứ người

Bác Thanh nhìn nhận môi trường học tập và luyện tập thể thao tại Czech là cực kỳ tốt. Tại xứ sở này, tất cả các cô cậu bé đều được hướng đến một bộ môn thể thao nhất định. Có rất nhiều trường và trung tâm để lựa chọn. Mục tiêu là nhằm rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng thể thao nếu có.

Đối với bóng đá, bác chia sẻ: “Quy trình tuyển trạch cầu thủ trẻ ở đây rất gắt gao. Em nào muốn đi theo bóng đá thì phải tập từ khi 7 tuổi. Có nơi họ còn tìm những cậu bé mới 3-4 tuổi. Nếu để trễ hơn thì sẽ có rất ít cơ hội”.

Hệ thống đào tạo đa dạng và nghiêm ngặt như thế, thế nên chẳng ngạc nhiên khi trong số hơn 60,000 kiều bào người Việt sinh sống và làm việc ở quốc gia này, có không ít thế hệ F2 đã và đang trở thành các vận động viên ở nhiều bộ môn khác nhau. Trong đó tập trung số lượng lớn ở bộ môn bóng đá và khúc côn cầu trên băng,...

Ngoài Lê Chí Phúc, bác Thanh cũng có một cậu con trai lớn từng chơi bóng rổ và thậm chí từng nằm trong top 10 VĐV xuất sắc nhất tại Czech. Tuy nhiên, khi anh chàng bước vào đại học thì ngưng lại để chuyên tâm cho việc học hành.

Lê Chí

Cuộc sống không toàn một màu hồng

Ở xứ người, đôi khi vấn đề không chỉ đơn giản là chuyện chuyên môn của bạn không đủ tốt. Tài năng thôi thì chưa đủ mà nó còn liên quan đến nhiều khía cạnh tế nhị khác của xã hội. Đấy chính là nạn phân biệt đối xử giữa người bản xứ và người gốc Á.

Bác Thanh tâm sự với chúng tôi: “Ở đây cầu thủ gốc Việt phải sở hữu một tài năng thật đặc biệt. Nếu không thì sẽ rất khó có cơ hội chơi chuyên nghiệp vì từ cấp độ U17 các CLB sẽ tiến hành đào thải rất khắc nghiệt. Tại CLB hiện tại, nếu Phúc là một người bản xứ thì có lẽ sẽ được trao băng thủ quân, nhưng vì là người Việt thế nên…”.

Theo tìm hiểu thì tại Czech và một số nước Châu Âu, nạn phân biệt chủng tộc thỉnh thoảng vẫn xảy ra đối với người gốc Việt. Dù tình trạng này xảy ra ngấm ngầm và khéo léo, nhưng đôi lúc ngẫm lại cũng khiến kiều bào mình cảm thấy thiệt thòi và xót xa.

“Nếu một người Việt mà phát triển tốt hơn người bản xứ một chút thôi thì khả năng bị đố kỵ và kìm hãm sẽ rất cao”, bác Thanh chua chát kết luận.

Lê Chí

Như đã thông tin trên, để đảm bảo cơ hội chơi bóng và việc học tập của Phúc được song hành, hồi cuối năm rồi gia đình đã quyết định xin cho em rời đội U17 Mlada Boleslav để chuyển tới CLB địa phương Mnichovo Hradiste theo hình thức cho mượn.

Bác kể lúc gia đình đến gặp CLB để xin chuyển đi thì ông HLV đội U17 đã nài nỉ để giữ Phúc lại vì ông ấy rất quý trọng tài năng của cậu. Nhưng ông ấy cũng thừa nhận là không thể đảm bảo Phúc sẽ được “chấm” lên đội U19 sau này vì nó còn tùy thuộc vào HLV phụ trách ở đấy.

Bác bảo với chúng tôi: “Thôi thì cứ tập đến hết lứa U17 này xem sao. Nếu không được chọn nữa thì tập trung vào mà học”.

Và đấy cũng chính là cuộc sống điển hình của một con em người Việt tại Czech cũng như nhiều nước Châu Âu nói chung. Bóng đá nhìn chung là một bộ môn thể thao tốt cho sức khỏe. Nhưng theo được hay không cũng tùy thuộc vào cơ duyên. Quan trọng nhất vẫn là công việc học tập để có tương lai ổn định.


Đôi nét về Lê Chí Phúc

Tên đầy đủ: Lê Chí Phúc
Tên tiếng Czech: Milan Le Chi
CLB: U17 Mnichovo Hradiste
Nơi sinh:  Rumburk
Nguyên quán: Quảng Bình
Năm sinh: 2000
Chiều cao: 1m80
Cân nặng: 75 kg
Vị trí thi đấu: Trung vệ
CLB yêu thích: Chelsea
Thần tượng: David Luiz


Quảng cáo