jleague

Xây dựng mối quan hệ, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp bóng đá châu Á trở nên sôi động

Mối quan hệ giữa các nền bóng đá Đông Nam Á và J.League ngày càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Các cầu thủ từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các nước ASEAN khác đang xuất hiện ngày càng nhiều tại J.League. Không chỉ có sự trao đổi về cầu thủ, J.League và các nước Đông Nam Á còn có những sự hợp tác giữa các câu lạc bộ với nhau.

J.League đã đưa ra "Chiến lược châu Á" vào năm 2012 và đang rất thành công với những thành tựu trong 5 năm qua. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Noriyuki, người đang là "kiến trúc sư" chính của đề án và đóng vai trò là cầu nối giữa Nhật Bản và các nước châu Á về tiến độ của đề án và những triển vọng trong tương lai.

Đề án "Chiến lược châu Á" được triển khai vào năm 2012, sau khi nước Nhật gánh chịu thảm họa động đất và sóng thần vào ngày 11/03/2011.

Đọc tiếp bài viết phía dưới

"Thảm họa đã khiến Nhật Bản chững lại do suy thoái kinh tế. Khán giả đến sân vận động để xem các trận đấu J.League ngày càng ít đi. Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi là làm cách nào đó để J.League có thể mang được không khí bóng đá trở lại Nhật Bản và cống hiến cho xã hội. Và chương trình "kết nối với châu Á" là kết quả của mong muốn đó.

Bóng đá Nhật Bản đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 20 năm qua kể từ khi J.League được thành lập. Nhật Bản đã tham dự 6 kỳ World Cup liên tiếp kể từ 1998, trong đó cùng Hàn Quốc đồng đăng cai World Cup 2002. Nhật Bản đã thật sự trở thành một thế lực lớn tại châu Á.

Hidetoshi NakataGetty Images

Những kết quả đó đã khiến Nhật Bản có được sự tôn trọng tuyệt đối từ các liên đoàn bóng đá khắp châu Á. Tuy nhiên, bóng đá tại Nhật Bản không phổ biến và được yêu thích bằng các nước Đông Nam Á, dân số và kinh tế ở khu vực này ngày càng nâng cao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Ví dụ, Thái Lan đã chi 10 tỷ yen để giành được bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh. Nếu một quốc gia có số lượng người yêu thích bóng đá nhiều như vậy, thì thật lãng phí nếu không đầu tư để phát triển bóng đá trong nước.

Một số lãnh đạo của các nền bóng đá Đông Nam Á đã nói rằng: "Chúng tôi muốn tham dự World Cup, nhưng chúng tôi không biết phải làm gì và làm thế nào". Tôi nghĩ rằng cần phải biến bóng đá trở thành môn thể thao số một tại quốc gia đó và tổ chức một đội tuyển quốc gia mạnh. Tôi sẵn sàng hỗ trợ với vai trò là đại diện của J.League. Điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tháng Hai năm 2012, J.League bắt đầu chiến lược kinh doanh tại châu Á khi ký kết chương trình hợp tác với Thai Premier League, tháng Sáu ký kết với V.League của Việt Nam và Myanmar National League vào tháng Tám. Năm 2013, J.League tiếp tục hợp tác cùng Cambodia League của Campuchia và S.League của Singapore. J.League liên tục tổ chức những chương trình trao đổi kinh nghiệm giữa các giải đấu, trao đổi cầu thủ, các lớp học bóng đá, hoạt động xã hội...

Thông qua những hoạt động này, chúng tôi đã biết được suy nghĩ của người dân mỗi nước về bóng đá và cách thức hoạt động bóng đá của mỗi quốc gia. Chúng tôi dần hiểu được những điều mới lạ, như các cầu thủ tại Thai League có kỹ thuật cá nhân cao hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Nếu họ chuyển đến thi đấu tại J.League, họ sẽ góp phần quảng bá Thai League và gia tăng lượng fan cho các CLB J.League.

J.League

Trong quá khứ, khi Kazuyoshi Miura và Hidetoshi Nakata sang Italia thi đấu, đã có rất nhiều người Nhật trở thành cổ động viên của Serie A. Kể từ đó, nhiều cầu thủ Nhật Bản ra nước ngoài thi đấu hơn, điều đó cũng làm tăng khả năng của các cầu thủ Nhật. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu cầu thủ từ các nước Đông Nam Á sang Nhật Bản thi đấu.

Năm 2013, tuyển thủ Việt Nam Lê Công Vinh gia nhập Consadole Sapporo. Đến năm 2016, một cầu thủ Việt Nam khác là Nguyễn Công Phượng cũng gia nhập Mito Hollyhock. Và năm 2017, ngôi sao sáng giá của bóng đá Thái Lan Chanathip Songkrasin cập bến Consadole Sapporo. Tại mùa giải 2017, Chanathip đã thi đấu rất xuất sắc với 17 lần ra sân tại J.League.

Mito Hollyhock đã trở thành nhà tài trợ chính thức của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, và logo của hãng này cũng được đính lên áo thi đấu của CLB. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng mở đường bay thẳng đến sân bay Ibaraki. Về mặt truyền hình, các trận đấu của Consadole đều được tường thuật trực tiếp tại Thái Lan và có lượng người xem ngang ngửa các trận đấu tại Thai League. Đó là những thành tựu đáng kể.

Những thông tin và những lợi ích này sẽ được chuyển đến các câu lạc bộ. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ các đội bóng bằng cách tạo điều kiện để đưa họ đến những đất nước mà họ quan tâm. Chúng tôi cảm thấy rằng có rất nhiều câu lạc bộ thể hiện sự quan tâm khi họ hiểu hơn về các giải đấu của các nước Đông Nam Á.

Năm 2012, Cerezo Osaka trở thành đối tác với Bangkok Glass của Thái Lan, và đội chủ sân Kincho đã có chuyến tập huấn tại Bangkok trước thềm mùa giải mới. Sau đó Bangkok Glass có chuyến tập huấn tại Osaka và trao đổi một số cầu thủ, huấn luyện giữa hai đội. Ngoài ra, Singha Beer và Yanmar cũng là nhà tài trợ cho hai đội.

Consadole Sapporo đã nhanh chóng để ý đến các cầu thủ Đông Nam Á. Họ đã lần lượt chiêu mộ Lê Công Vinh vào năm 2013, Stefano Jantje Lilipaly vào năm 2014, Irfan Bachdim vào năm 2015 và Chanathip vào năm 2017. Đặc biệt bản hợp đồng của Chanathip đã giúp gia tăng số lượng cổ động viên Thái đến sân vận động Sapporo Dome.

jleague

Nối tiếp Bangkok Glass, năm 2017 Bangkok United trở thành đối tác với FC Tokyo, sự hợp tác này đã mang Jakkit Wachpirom gia nhập U-23 FC Tokyo. Sau khi dến với đội bóng thủ đô Nhật Bản, Wachpirom đã ghi được bàn thắng đầu tiên tại J.League.

Mito Hollyhock tiếp tục mối quan hệ với Việt Nam bằng bản hợp đồng mang tên Nguyễn Công Phượng. Sau đó tỉnh Ibaraki cũng triển khai dự án chia sẻ công nghệ về nông nghiệp.

Đối với những câu lạc bộ khác, chúng tôi vẫn đang tiến hành rất nhiều hoạt động để xây dựng mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và tìm kiếm những cơ hội mới.

Cho đến bây giờ, mỗi CLB J.League đều nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ thành phố và cộng đồng của họ. Tuy nhiên, trong 20 năm tới, chúng tôi có trách nhiệm phải làm cho cộng đồng nghĩ rằng "Chúng tôi thật vui vì có một câu lạc bộ". Bóng đá là một thứ ngôn ngữ chung của toàn cầu, nó sẽ giúp chúng tôi xây dựng một mối quan hệ sâu sắc với các nước Đông Nam Á.

Cơ hội để tìm hiểu về J.League đang tăng lên rõ rệt. Thương vụ Chanathip gia nhập Consadole Sapporo không chỉ được biết đến tại Thái Lan mà nó đã lan truyền khắp Đông Nam Á. Điều này cho thấy mọi người đang rất quan tâm đến J.League. Mối quan hệ giữa bóng đá Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đang trở nên hết sức gần gũi trong những năm gần đây.

J.League

Tôi có cảm giác các nền bóng đá Đông Nam Á đang cùng nhau tiến lên. Tôn trọng lẫn nhau và củng cố mối quan hệ hợp tác lý tưởng. Cho dù nền bóng đá chúng ta có đi đến đâu, một ngày nào đó chúng ta sẽ thi đấu với nhau tại World Cup. Bắt đầu từ World Cup 2026, châu Á sẽ có 8.5 suất tham dự, và World Cup sẽ không còn là một giấc mơ. Tôi đang tưởng tượng một ngày nào đó, các đội tham dự World Cup có trong đội hình một vài cầu thủ đang thi đấu tại J.League, thật thú vị.

Sự hợp tác chung ko thể phát triển hết tiềm năng nếu như mỗi bên vẫn hạ thấp sự quan trọng lẫn nhau. Nhật Bản vẫn đang nỗ lực hết mình để xây dựng một mối quan hệ đôi bên cùng thắng, bằng cách học hỏi thêm nhiều thứ và đương nhiên không quên việc giành cho các nước khác sự tôn trọng. Dự án này tuy vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu, nhưng kết quả nó mang lại tuyệt vời hơn mong chờ ban đầu".

Vài nét về ông Oya Takeyuki

Ông Oya Takeyuki sinh năm 1981. Sau khi tốt nghiệp Đại học Massachusetts Amherst, ông làm việc cho Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vào năm 2004. Năm 2009, ông gia nhập J.League và làm việc tại Công ty J.League Marketing với vai trò Tổng giám đốc, chuyên xử lý các vấn đề kinh doanh của J.League từ năm 2012. Ông hiện là ủy viên của LĐBĐ Châu Á (AFC) từ năm 2015.

Quảng cáo