Long An phản ứng

BÌNH LUẬN: Khán giả không bỏ tiền đi xem lũ trẻ dỗi hờn


BÌNH LUẬN


Tuần trước, trên Facebook rộ lên một bức “thư ngỏ” từ người chủ doanh nghiệp, đại ý nói các sinh viên khi mới ra trường luôn đòi hỏi “môi trường làm việc chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, bản thân họ lại chẳng chuyên nghiệp để xứng đáng làm việc trong môi trường ấy.

Với các cầu thủ Long An hôm qua cũng vậy. Việc bỏ trận giữa chừng chứng tỏ một điều duy nhất: Họ là một đội bóng nghiệp dư với cách hành xử nghiệp dư.

Long An phản ứng

Nếu phải nói đến tính chuyên nghiệp trong trận đấu giữa TP. HCM và Long An vừa qua, rõ ràng đội bóng của Công Vinh đã có cách hành xử chuyên nghiệp hơn hẳn. Bỏ ngang trận đấu là cái sai vô cùng nghiệp dư của Long An và vì thế chẳng có lý do nào mà TP. HCM lại không tiếp tục ghi bàn. 

Việc Victor chủ động đá vào giữa khung thành nhưng thủ môn Long An không bắt và chỉ dừng lại ở ba bàn là đã quá lịch thiệp với lối xử sự của các cầu thủ Long An rồi.

Từ vụ việc của CLB Hải Phòng và Long An ở vòng đấu vừa qua, những gì chúng ta thấy được chính là văn hóa ứng xử của các CĐV và cầu thủ Việt Nam quá kém cỏi. Tiếng còi có "méo" hay không còn phải xem quyết định của cơ quan điều tra nhưng văng tục chắc chắn là hành vi xấu xí và bỏ trận đấu là coi thường khán giả.

Khán giả bỏ tiền mua vé để xem “cuộc chiến” giữa những người đàn ông chứ không phải để xem cảnh những đứa trẻ hờn dỗi vì cho rằng mình bị đối xử bất công.

Việc bỏ ngang một trận đấu như cái cách mà các cầu thủ Long An đã làm chỉ một lần nữa chứng tỏ rằng “nền bóng đá chuyên nghiệp” của chúng ta thực chất chỉ là tập hợp của những đội bóng nghiệp dư, với cách hành xử theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi” vô cùng coi thường  khán giả. Họ - những cầu thủ Long An – dường như không ý thức được mình đang mang danh “cầu thủ chuyên nghiệp”.  Bên cạnh niềm vui chơi bóng của bản thân, họ còn phải làm tròn trách nhiệm với khán giả.

Hãy nhìn vào các cầu thủ Chelsea và Didier Drogba trong trận bán kết lượt về Champions League 2009 với Barcelona. Hãy thử tưởng tượng ở một trận đấu quan trọng nhường ấy thì nỗi uất ức từ việc bị trọng tài xử ép sẽ còn lớn đến thế nào. Thế nhưng các cầu thủ Chelsea vẫn đá cho đến hết trận, rồi khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên họ mới “quây” lấy trọng tài để phản ứng.

Michael Ballack Tom Henning Ovrebo Chelsea Barcelona Champions LeagueGetty Images

Nhưng quan trọng, The Blues chấp nhận thi đấu để vượt qua mọi khó khăn cho đến khi kết thúc. Bởi vậy, họ được dư luận ủng hộ, dù có một số cầu thủ đã… văng tục với trọng tài. Tất cả mũi dù nhắm ông “vua áo đen”. Còn với Chelsea, họ bị loại nhưng chẳng ai có quyền lên án hay chê trách.

Đó mới là cách cư xử của những “người đàn ông” trước nghịch cảnh và bất công. Chỉ có họ mới có thể vỗ ngực tự xưng mình là “cầu thủ chuyên nghiệp”.

Tình huống gây tranh cãi của Long An đến từ quả phạt đền ở giai đoạn căng thẳng nhất của trận đấu. Bỏ qua phản ứng của những khán giả thường thiên về cảm xúc và ủng hộ đội chủ nhà, cá nhân tôi thấy tình huống thổi phạt đền là có lý. 

Trong pha bóng thổi phạt Long An, chúng ta cũng thấy hai cầu thủ cũng có va chạm ở trên không. Với các trọng tài nghiêm khắc, không ít người cũng sẽ thổi phạt vì cho rằng hậu vệ Long An đã đẩy sau đối phương. Do vậy không thể nói rằng trọng tài Nguyễn Trọng Thư cố tình “tặng” penalty cho TP.HCM.

Với tình huống nói trên, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng dường như công tác trọng tài tại V.League đã trở thành một vấn đề nhức nhối đến nỗi tất cả quyết định nhạy cảm đều bị lên án một cách ác nghiệt nhất. Dù trọng tài bắt đúng hay sai, chỉ cần tiếng còi ấy có thể xoay chuyển cục diện thì ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu đại đa số người hâm mộ sẽ là những thứ tiêu cực.

Người xưa vẫn có câu nói “Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” hoàn toàn chính xác trong trường hợp này. Và có lẽ chúng ta đang có một nền bóng đá độc nhất vô nhị, khi đại đa số những người theo dõi V.League ghét bỏ giải đấu này hơn là yêu quý nó.

Sự căm ghét ấy không chỉ mới thành hình mà đã là khối u ác tính đang hoành hành dữ dội sau một thời gian dài được dung dưỡng bởi một nền bóng đá dặt dẹo và có quá nhiều vấn đề. Một phần nó đến từ sự bất lực của các tổ chức điều hành nền bóng đá Việt Nam, một phần từ những sai lầm liên tiếp (Khi chưa có kết luận nào thì chúng ta hãy cứ tạm gọi là “sai lầm”) do chất lượng trọng tài yếu kém và một phần đến từ chính các đội bóng: dọa bỏ giải, bỏ trận mỗi khi bất mãn.

Long An phản ứng

Khi nhắc đến những điều này, nhiều người sẽ phải tự hỏi vậy chúng ta đã làm được gì sau 17 năm “lên chuyên” để một giải VĐQG vẫn còn đó những tệ nạn chỉ có ở bóng đá nghiệp dư. Dù vậy, có lẽ “ở trển” không dám nghĩ đến chuyện đập bỏ “cái bình” V.League vốn chỉ dán mác chuyên nghiệp nhưng bên trong thì tan nát. Với họ, cái bình ấy còn tức là bóng đá Việt Nam còn “chuyên nghiệp”. Đập bỏ tức là họ đã thừa nhận mình đã thất bại trong việc giữ cho nền bóng đá này chuyên nghiệp.

Dù sao thì ai chẳng muốn hạ cánh an toàn. Đâu có mấy ai đủ can đảm đứng ra nhận lỗi về mình.


THÀNH ĐỖ

Facebook  | Twitter | Instagram

Bài viết gần đây: Rũ bỏ sự nghiệp ngôi sao vì đức tin


Quảng cáo